học mà chơi.
Bạn có muốn phản ứng với tin nhắn này? Vui lòng đăng ký diễn đàn trong một vài cú nhấp chuột hoặc đăng nhập để tiếp tục.

học mà chơi.

mọi thứ ở đây.
 
Trang ChínhTrang Chính  PortalPortal  Latest imagesLatest images  Tìm kiếmTìm kiếm  Đăng kýĐăng ký  Đăng NhậpĐăng Nhập  

 

 TỔNG QUAN VỀ THƯ PHÁP

Go down 
Tác giảThông điệp
Admin
Admin



Tổng số bài gửi : 149
Join date : 19/05/2011

TỔNG QUAN VỀ THƯ PHÁP Empty
Bài gửiTiêu đề: TỔNG QUAN VỀ THƯ PHÁP   TỔNG QUAN VỀ THƯ PHÁP I_icon_minitimeSat Oct 08, 2011 2:07 pm


TỔNG QUAN VỀ THƯ PHÁP
* Mục đích, ý nghĩa: Cung cấp cho học viên những kiến thức cơ bản về thư pháp, gợi mở nhiều điều lý thú về thư pháp chữ Việt. Có ý nghĩa khoa học và thực tiễn, góp phần vào việc kế thừa và phát huy di sản văn hoa truyền thống của dân tộc.
* Nội dung

1 Từ chữ viết đến nghệ thuật viết chữ
1.1. Nguồn gốc chữ viết
Chữ viết ra đời theo yêu cầu của xã hội loài người. Nó hình thành trên cơ sở những thành quả lao động chân tay và trí óc. Tiền thân gần gũi của nó chính là nhũng hình vẽ mang ý nghĩa thực thể hoặc tưởng tượng.
1.2. Nghệ thuật chữ viết.
Cái đẹp trong chữ viết, mà theo cách nói hiện đại là nghệ thuật chữ viết thư pháp (Calligraphg – calligraphie-kalligraphiia) từ lâu đã được nhiều nước trên thế giới coi trọng và xem là một loại hình nghệ thuật đặc thù “cao cấp”, là biểu tượng thẩm mỹ của nền văn hóa dân tộc ở một số nước Phương Đông. Nghệ thuật chữ viết vừa tạo nên giá trị thẩm mỹ, vừa có ý nghĩa thực tiễn trong cuộc sống của mọi người trên hành tinh của chúng ta.
1.3. Thư pháp
Cách hiểu về nghệ thuật thư pháp có thể khái quát thành hai nội dung : Một là, nội dung gắn bó với cơ sở mỹ học của thư pháp (các cách viết, kỹ thuật viết, những bút pháp, đường nét, màu sắc… của người viết). Hai là, gắn bó với tính cách, tâm tư, tình cảm, quan niệm triết học, nhân sinh quan của người viết và phong khí của thời đại.
Vì vậy, ta có thể hiểu thư pháp là: nghệ thuật thể hiện chữ viết và là phương tiện để biểu tỏ tâm thức của con người. Với ý nghĩa này, thư pháp trở thành một nghệ thuật biểu đạt mỹ cảm của mỗi dân tộc, ý hướng, tâm tư và tình cảm chủ quan, có tác dụng đạo đức và giá trị mỹ học.

2. Sơ lược thư pháp Đông – Tây
Trong dòng chảy văn hóa truyền thống của các nước phương Đông – thư pháp được xem như là một mạch ngầm, lặng lẽ tồn tại với thời gian nhưng thư pháp lại có vị trí đáng kể và hàm chứa nhiều giá trị nhân bản, đạo đức xã hội trong thế giới nghệ thuật.
_Thư pháp đối với người Trung Hoa là linh hồn của mỹ thuật Trung Hoa,là loại hình nghệ thuật có tính tổng hợp cao có xu hướng vươn tối nghệ thuật biểu hiện tâm hồn chủ quan.
_ Thư đạo Nhật Bản: Ơ Nhật Bản nơi mà khiếu thẩm mỹ luôn dựa vào sự giản dị cùng với tính trầm tư mặc tưởng của Thiên Đạo đã tiếp nguồn cho nghệ thuật thư pháp phát triển thành một phong cách rất đặc biệt đó là sự kết hợp hài hòa giữa tinh hoa Thiền Đạo và nghệ thuật thể hiện. Với ý nghĩa này, thư đạo của Nhật Bản không chỉ là môn nghệ thuật thể hiện, mà nó vượt ra ngoài hạn lượng của ý thức để truyền tải nội dung tâm pháp.
_Nghệ thuật thư pháp ở các quốc gia Hồi giáo : được xem là “Nghệ thuật thị giác hàng đầu”. Nó trở thành một phần trang trí chính trong đạo Hồi, trong các lâu đài, trường học. Theo Ibn al –Habib cho rằng nghệ thuật viết chữ chính là chức năng cao quý nhất, một khoa học ưu việt nhất, một nghề có thu hoạch cao nhất của thời đại.
_Ở các nước phương tây, thời xưa, khi nghề in chưa có ( hoặc đã có mà chưa vi tính), những văn kiện quan trọng hay tác phẩm thiêng liêng đều cần những nhà thư pháp (calligrapher) nắn nót, trau chuốt từng nét một. . Đặc biệt, với kinh điển của nhiều tôn giáo, các nhà thư pháp còn dóc lòng tôn trọng, trọn gìn trai giới và kiêng tửu sắc trong suốt những ngày tháng tỉ mỉ chép kinh thánh những tác phẩm mỹ thuật, mà ngày nay một số kiệt tác còn may mắn giữ được đã trở thành tài sản văn hóa vô giá của các viện bảo tàng tên tuổi trên thế giới.

* So sánh sự khác nhau cơ bản giữa nghệ thuật thư pháp Đông và Tây(mang tính khái quát )
+ Vẻ đẹp chữ viết của người Phương Đông không chỉ dừng lại ở nghệ thuật biểu hiện mà nó còn phải lột tả được tính chất sâu thẳm bên trong của chữ viết. Dường như thư pháp ở đây không chỉ là bộ môn mà còn là một pháp môn cho con người tu tâm luyện tánh.( xuất phát từ văn hoá gốc nông nghiệp )
+ Ngược lại, quan niệm chữ viết đẹp đối với người Phương Tây thì phải theo chuẩn mực, phải cân đối tỷ lệ, không có ngẩu hứng và linh hoạt.( xuất phát từ văn hoá gốc du mục )

3. Thư pháp Việt Nam từ truyền thống đến hiện đại
3.1.Nghệ thuật thư pháp chữ Hán_ Việt Nam
a. Quá trình hình thành thư pháp chữ Hán ở Việt Nam
b.. Đặc điểm thư pháp chữ Hán_Việt Nam
Quá trình phát triển của môn thư pháp chữ Hán tại Việt Nam, có lịch sử hình thành tương tự bộ môn thư pháp tại Trung Hoa: đều xuất phát từ tinh thần văn nghệ trong sáng lấy cảm hứng làm căn bản, lấy chủ đề tạo cảm hứng. Tuy nhiên về biểu hiện mỹ cảm có những điểm tương đối khác biệt so với nghệ thuật thư pháp ở Trung Hoa.
3.2. Nghệ thuật thư pháp chữ Quốc Ngữ_ hiện đại
a.Đôi nét về quá trình hình thành chữ Quốc Ngữ
b. Sự ra đời của thư pháp chữ Quốc ngữ (chữ Việt )
c. Một số đặc điểm trong thư pháp Việt
_ Tính linh hoạt: Sự linh hoạt là một trong những điểm quan trọng của nghệ tguật thư pháp nói chung. Đối với thư pháp chữ Việt tính linh hoạt thể hiện rất cao độ_nó cũng là một đặc tính điển hình của người Việt
_ Tính biểu cảm, trữ tình: là một đặc điểm tiêu biểu của các loại hình nghệt thuật và văn hoá Việt Nam nói riêng và có lẽ văn hoá nông nghiệp nói chung. Với thư pháp chữ Việt thì tính biểu cảm thể hiện rất rỏ nét.
_ Tính hài hoà : Tính hài hòa là một đặc điểm nổi bật của nền văn hoá Việt Nam và nó có ảnh hưởng rất đậm nét trong nghệ thuật thư pháp chữ Việt. Nó cũng là một trong những yếu tố tạo nên một tác phẩm thư pháp hoàn hảo.
_ Tính tổng hợp: Sự giao hoà giữa văn hoá Đông- Tây ( bút lông_ sản phẩm của văn hoá phương Đông và chữ Latinh_sản phẩm của văn hoá phương Tây).

3.3. Thư Pháp Chữ Việt Trong Đời Sống Văn Hoá Của Dân Tộc

Thực tế hiện nay, thư pháp chữ Việt đã hoà mạch sống nghệ thuật trong vườn hoa dân tộc và nó có ảnh hưởng lớn trên mặt trận văn hoá-tư tưởng, đạo đức-giáo dục,… Sở dĩ nó đặc biệt như vậy vì nó đã nối mạch được truyền thống tôn trọng chữ, kính chữ đã có hàng ngàn đời trong lịch sử dân tộc. Hơn nữa, nó mang thông điệp cho mọi người rằng, nếu biết khai thác và sáng tạo, thì chữ Việt cũng rất đẹp và rất có hồn. Hy vọng, việc chơi thư pháp, thưởng lãm thư pháp chữ Việt hiện nay không chỉ dừng lại ở tính phong trào mà là sự hiện diện có ý nghĩa của một môn nghệ thuật đặc thù mang tính cao cấp, phát huy được cái đẹp, cái hồn của mỗi chữ Việt trong lòng người dân nước Việt.




KINH NGHIỆM ĐỂ HỌC THƯ PHÁP

1- LẮNG NGHE
- Cảm giác bút chạy trên giấy nặng nhẹ, mạnh yếu, cao thấp
- Cảm giác nhanh chậm khi kéo bút
- liều lượng mực trong bút và độ loang của giấy

2- Ngắm nhìn hình ảnh của các đường nét tạo nên bởi những cảm giác trên đây để hình nét chử và thần của ngọn bút tiến nhập tiềm thức.

Vì thế các nhà thư pháp dù thâm niên bao lâu vẫn luyện tập hàng ngày 4 điều sau:

1. Độ nặng nhẹ của bút (đè xuống hay nhấc lên) cho nét to hay nhỏ
2. Tốc độ bút: cho nét sướt mạnh mẽ hay tinh tế
3. lượng mực trong cọ nhiều hay ít
hình dáng ngòi sau mỗi lần chuyển bút để xoay bút tạo hình của nét hợp lý
Khi hành bút, bụng cánh tay úp xuống, bút vuông góc mặt giấy, hạn chế cử động cổ tay để luyện lực.

HƯỚNG DẪN THỰC HIỆN NGHỆ THUẬT THƯ PHÁP CHỮ VIỆT

Khi các bạn quyết định đến với thư pháp thì một lần nữa xin các bạn khẳng định lại, mình có thật sự yêu thích, đam mê và đủ kiên nhẫn hay chưa. Vì đối với bộ môn này thì không phải một sớm một chiều mà có thể thành công. Có người phải mất cả một đời để vẫn còn học hỏi , để lần mò ra nhịp đập và hơi thở của từng con chữ…
Trước tiên các bạn hãy chọn cho mình một cây cọ thật đắt ý. Không nhất thiết phải là một cây cọ đắt tiền, vì mỗi loại cọ đều có những đường nét đặc trưng riêng của nó, quan trọng là bạn có điều khiển để phát huy được tinh hoa của cây cọ mình đang sử dụng hay không? Tốt nhất nên chọn các loại cọ tàu có ngòi được làm bằng lông thú, lông càng dài thì càng khó viết, nhưng lại mau thành công thưa các bạn.

Sau đó chọn một bình mực tàu, khi bắt đầu tập viết bạn không cần phải sử dụng mực đậm đặc, có thể pha loãng ra với nước cho tiết kiệm. Rồi dùng một cái chén hay bất cứ thứ gì có thể đựng mực được. Tìm giấy báo hay giấy gì có độ thấm hút cao cũng được, miễn sao tiết kiệm được phần nào chi phí hao tổn là tốt.

Cách cầm bút: cách viết của người Trung Quốc khi viết họ không chạm tay vào giấy hoặc mặt bàn (kiểu gân), nhưng đối với chữ Việt chúng ta lại quen với cách viết chạm tay vào giấy (kiểu nhục). Vậy bạn cứ chọn cho mình một cách viết thật thoải mái nhưng bàn tay ít chạm vào mặt giấy bao nhiêu, giảm độ ma sát bao nhiêu thì tốt bấy nhiêu. Điều khiển cọ ở tư thế thẳng đứng so với mặt giấy, giữ cọ bằng đầu ba ngón tay (ngón cái, ngón trỏ, ngón giữa) chọn tư thế ngồi thoải mái, giữ cho đầu thẳng lưng thẳng để tránh những tác hại cho xương về sau, khi ngồi viết hàng giờ.

Và bây giờ các bạn cần hiểu công việc của mình sắp làm, đó là tập luyện cho đến khi bạn có thể điều khiển được cây cọ mình đang sử dụng một cách nhuần nhuyễn. Những bước đầu tiên thường rất quan trọng. Hãy tạo cho mình có những thói quen và một nết viết ổn định như một phản xạ tự nhiên có thể tự cân bằng bằng tiềm thức.

Đối với thư pháp Trung Hoa, trên giấy thường thì họ có những đường kẻ sọc để người viết định vị được hàng chữ, nhưng với chúng ta thì không. Vậy các bạn hãy chỉnh tờ giấy của mình sao cho mép giấy song song với mép bàn và dùng cọ viết những đường ngang sao cho thật ngay. Nếu tạo được cho mình thói quen này, thì bạn sẽ không phải khổ sở vì những nét ngang của mình sao nó không ngang và hàng chữ của mình cứ thi nhau leo núi vượt đèo.

Các bạn cứ tập những đường ngang sao cho thật mảnh và nhuần nhuyễn rồi tiếp tục tập những đường kéo dọc xuống. Đừng nóng vội cứ từ từ xây dựng cho mình một nền móng vững chắc nhé !



Nếu cảm thấy hơi ổn rồi thì các bạn bắt đầu vào một nét căn bản. Gồm có khởi bút, hành bút và thu bút ( tức khi bắt đầu nét bút thì bạn nhấn xuống, rồi kéo một đường ngang và dừng lại, sau đó nhấc bút lên ) tuy công việc đơn giản như vậy cũng không đơn giản chút nào, cứ từ từ tập cho đến khi nào đạt. Và cũng như vậy bạn tâp nét sổ dọc.



Độ dày và mỏng, đậm hay nhạt tùy thuộc vào việc nhấn mạnh hay nhấc lên của tay mình, cũng như tốc độ viết khi nhanh khi chậm. Chỉ cần tập nhiều thì bạn sẽ có kinh nghiệm, để điều chỉnh dung lượng mực sao cho vừa đủ không nhiều quá cũng như không ít quá, để tạo ra những đường sướt (phi bạch) những nét đặc trưng của thư pháp.

Khi nhuần nhuyễn được nét ngang và dọc thì bắt đầu tập thêm những nét vạch, nét phẩy: nhấn cọ xuống mặt giấy sau đó kéo ngang tự do, và nếu được các bạn cứ tập nét này theo nhiều hướng khác nhau đến khi nhuần nhuyễn để phục vụ cho công việc sáng tạo của các bạn sau này.



Đặc điểm của chữ Việt là có rất nhiều nét cong hầu như có ở mỗi chữ, cho nên rất quan trọng để thực hành và tìm tòi sáng tạo trong những nét này.



Sau khi hoàn tất công việc trên, tức bạn đã có thể điều khiển được cây cọ của mình theo ý muốn. Bạn có thể bắt đầu ráp nối những đường nét của mình trở thành những con chữ có ý nghĩa. Ban đầu có thể sẽ rất vụng về nhưng không sao cả. Nhưng nên nhớ, muốn thành công thì phải tự tìm tòi và sáng tạo cho mình một phong cách , một nét chữ riêng biệt.


Khi viết cần tập trung tư tưởng đừng để bị chi phối bởi những tạp niệm chung quanh. Và hãy viết bằng chân tâm của chính mình. Khi đã hoàn thiện được những chữ cái căn bản thì hãy bắt đầu tập viết những chữ đơn tự đơn giản, rồi hai chữ, rồi một câu thơ…. Phần khó nhất là bạn phải tập sắp xếp bố cục cho hay, cho bắt mắt và hoàn chỉnh. Điều này phụ thuộc năng khiếu và khà năng quan sát học hỏi của bạn.


Lần nữa xin nhắc lại các bạn, những nhà thư pháp gia lỗi lạc muốn thành công cũng tốn hàng chục năm nên hãy luyện cho mình một chữ nhẫn và viết cho mình một chữ tâm bạn nhé!
Chúc các bạn thành công!

BÀI 2 : LUYỆN CÁC NÉT CĂN BẢN
* Mụcđích : Giúp cho người học bước đầu là quen với cách cầm bút, vận bút.
* Yêu cầu : Viết đúng theo những nét mẫu, và viết nhiều lần.

1. Những điều cần biết trước khi thực hành môn thư pháp
+ Nhận thức
+ Ổn định nội tâm, khiêm tốn học hỏi
2. Chuẩn bị dụng cụ
(bút, nghiên, giấy, mực)

3. Thực hành

Cách cầm bút và tư thế viết
a. Tính năng cây bút lông
_ Bút lông gồm 2 phần : Phần đầu bút và phần cán bút

- Cán bút chia làm 3 phần: Phần trên, phần giữa và phần cận (gần đầu bút). Tùy theo thói quen và tùy theo cách cầm bút người viết có thể sử dụng phần nào cũng được.
- Đầu bút cũng chia làm ba phần: Phần đầu bút, lưng bút và cả bút. Khi viết chữ nhỏ phải sử dụng đầu bút, khi viết chữ to hoặc các điểm nhấn thì sử dụng lưng bút, khi viết chữ to hơn hoặc để vẽ các nét đậm, mạnh, cưng thì sử dụng cả đầu bút

b. Cách cầm bút
- Có hai cách cầm bút cơ bản:
+ Bằng không còn gọi là bằng gân – hoặc gọi là Không thủ pháp (không chạm tay vào cán bút vào mặt phẳng của bàn hoặc nền).

+ Bằng thịt còn gọi là bằng nhục – hoặc gọi là Nhục thủ pháp (cạnh bàn tay cầm bút hoặc ngón út tì lên mặt phẳng để tìm thế cân bằng cho nét chữ không bị run.

· Khác với cách viết thư pháp chữ Hán phải cầm bút bằng gân vì hướng viết từ phải sang trái nên nếu để tay chạm giấy sẽ làm nhòe chữ kế bên nên người nhập môn thư pháp sử dụng cách nào cũng được, miễn sao mình làm chủ được ngọn bút và thể hiện được ý nghĩ của mình mong muốn.
1. Cách cầm bút

Cầm bút sao cho bút vuông góc với mặt giấy, khi viết các ngón tay và cổ tay phải thoải mái không gồng cứng. Lưng thẳng, vai giữ nằm ngang và thả lỏng. Nên tập cho mình một thói quen để giấy song song với cạnh bàn và vai, không nên để tờ giấy xéo và xoay người sang để viết. Với tác phẩm có kích thước vừa phải khi chuyển bút chỉ di chuyển các ngón tay, cổ tay, khủy tay chứ không di chuyển vai và toàn thân. Tuỳ vào loại giấy, độ đặc lỏng của mực và thể chữ mà bạn chọn cho mình tốc độ viết phù hợp. Đừng quan niệm rằng viết thư pháp phải viết thật nhanh mới hay. Công phu cầm viết nằm ở chỗ tay thật vững, không run, khi tay vững thì bạn có thể viết chữ to hay chữ nhỏ chỉ với một cây bút.

Khi viết, tay nhấc lên cao không chạm mặt giấy gọi là Không Bút. Khi viết tay chạm mặt giấy thì gọi là Tì Bút

* Tì bút: Cách cầm này có ngón cái chịu lực, ngón trỏ và ngón giữa ôm gần cận đầu bút, riêng ngón út thì thả lỏng để tì bút xuống mặt phẳng, hướng bút hơi nghiêng. Cách cầm bút này có những ưu điểm là khi chúng ta viết các câu chữ nhỏ và trung thì rất thuận lợi và dễ dàng nắn nót, thế nhưng khi viết dạng đại tự thì tì tay sẽ làm giới hạn khi chúng ta phóng bút.




* Không tì bút: Cách cầm này có ngón cái cũng chịu lực nhưng các ngón tay còn lại chụm thẳng hàng và hướng bút thẳng đứng để tay không chạm vào mặt phẳng của bàn hoặc nền. Cách cầm này có ưu điểm rất tốt khi thực hiện đại tự, riêng khi viết các câu chữ nhỏ cần có thời gian rèn luyện lâu dài với phương pháp này mới có thể thực hiện hoàn chỉnh các con chữ.


- Ngũ chỉ bút

Đây là cách cầm bút thông dụng và phổ biến nhất.

Giữ thân bút bằng ba ngón tay, ngón cái, ngón trỏ và ngón giữa. Đầu ngón tay cái áp sát vào thân bút, đầu ngón trỏ và ngón giữa áp sát vào thân bút theo phía đối diện với ngón cái. Phần móng tay của ngón áp út tựa nhẹ vào thân bút và ngón út không chạm vào thân bút mà tựa nhẹ vào ngón áp út.Chú ý ngón áp út và ngón út không để cong quẹo hoặc chạm vào lòng bàn tay. Các ngón tay phải giữ bút chắc chắn, lòng bàn tay phải rỗng. Cổ tay phải thăng bằng và cánh tay luôn giữ ở tư thế treo.

Các bạn nên nhớ rằng cầm bút cao hay thấp và cầm theo cách nào cho phù hợp còn tuỳ thuộc vào thể chữ và kích thước của tác phẩm.

- Các cách cầm bút khác

Cách cầm đơn giản nhất là giữ sao cho các ngón tay nằm một bên thân bút và ngón trỏ nằm ở phía ngược lại.

Khi viết chữ với kích thước nhỏ bạn có thể tựa nhẹ cánh tay vào cạnh bàn, chống nhẹ ngón tay út vào giấy hoặc kê cổ tay lên một thanh gỗ hay mu bàn tay trái.

Khi mới tập viết, có người luyện kỹ pháp không bút trước, cách này tốn nhiều thời gian và đòi hỏi công phu tập luyện cao. Nếu bạn thành thạo kỹ pháp không bút thì bạn đã de dàng điều khiển bút theo các kỹ pháp khác. Ngược lại, nếu bạn luyện kỹ pháp tì bút trước thì bạn dễ làm quen và điều khiển bút nhanh hơn. Nhưng sau này bạn muốn luyện sang kỹ pháp không bút sẽ gặp nhiều trở ngại, bạn thấy không quen tay, mất kiên nhẫn và mau chán nản. Như vậy sẽ gây hạn chế rất lớn cho công việc sáng tác của bạn sau này.

2. Tư thế viết:

- Ngồi viết: Tùy theo chiều cao của mỗi người và diện tích của nơi viết chữ mà bạn có thể chọn cho mình một bộ bàn ghế thích hợp và thoải mái để viết.

- Đứng viết: Tức là bạn vẫn dùng bàn để viết nhưng không dùng ghế để viết cho thật thoải mái.

_ Ngồi xếp bằng: Lúc này bạn sử dụng bàn thấp và ngồi xếp bằng dưới đất hoặc có thể ngồi trên một chiếc gối nhỏ.Tư thế này có tầm nhìn vừa phải, không quá gần như khi sử dụng ghế mà cũng không quá xa khi đứng viết.

- Bò nghiêng: Các bạn dễ thấy hình ảnh này khi xem những tranh ảnh về những cụ đồ ngày xưa, đây là tư thế tạm thời vì các cụ chỉ viết trong mấy ngày xuân ngắn ngủi, không tiện mang theo bàn ghế. Ở tư thế này nếu viết chữ đại tự thì các cụ ngồi thẳng lưng mà viết, trong trường hợp viết các câu đối thì các cụ duỗi dài người lên phía trước.

- Quỳ gối viết: Ở tư thế này thì hai gối các bạn phải chạm đất và tay trái chống thẳng, rất tiện khi viết chữ to.

- Đứng viết lên vách: Khi các bạn phải viết tác phẩm lên một tấm vách cố định thì ta dùng tư thế này. Giữ tầm mắt vừa phải và tập trung vào nội dung đang thể hiện.

* Dù bạn viết ở bất kỳ tư thế nào đi nữa thì nên giữ cơ thể thăng bằng và thoải mái. Nếu ngồi ghế thì hai bàn chân phải song song nhau và chạm vào mặt đất. Vai luôn giữ ngang và cột sống phải thẳng, nếu không dễ gây tật gù lưng và nhức mỏi cho chúng ta sau này, cũng như không thể ngồi viết lâu được. Nếu trong trường hợp vận bút có gì trở ngại, bạn nên kiểm tra lại tư thế và cách cầm bút, nếu mọi thứ ổn định và đúng cách mà đường bút vẫn chưa đạt thì bạn nên nghỉ ngơi.

Có nhiều tư thế viết tùy theo hoàn cảnh và loại hình cần thực hiện.
+ Ba tư thế chính:
- Sử dụng bàn (ngồi viết)
- Sử dụng bàn không ghế (đứng viết)
- Sử dụng bàn thấp không ghế (ngồi xếp bằng)
+ Ngoài ra, còn có các tư thế khác : bò nghiên, quỳ gối, đứng viết trên vách.
Về Đầu Trang Go down
https://ampe.forumvi.com
 
TỔNG QUAN VỀ THƯ PHÁP
Về Đầu Trang 
Trang 1 trong tổng số 1 trang

Permissions in this forum:Bạn không có quyền trả lời bài viết
học mà chơi. :: kinh nghiem-
Chuyển đến